chế phẩm sinh học

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

CHẾ PHẨM SINH HỌC THUỐC TRỪ SÂU KHÔNG ĐỘC HẠI



Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Bảo vệ thực vật đã hoàn thiện công nghệ sản xuất sử dụng 7 chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học đa chức năng để phòng trừ dịch hại trên một số cây trồng nông-lâm nghiệp, có khả năng thay thế các loại thuốc hóa học độc hại.

Đây là sản phẩm của Đề tài khoa học cấp Nhà nước với mã số KC 04-12.
Bằng kỹ thuật công nghệ sinh học, các nhà khoa học đã nghiên cứu sản xuất: Chế phẩm trừ sâu xanh, sâu khoang, sau tơ hại rau đạt 75-89% sau 10 ngày phun thuốc. Chế phẩm Bacillus thuringienis (Bt) phòng trừ các loại sâu keo, sâu tơ, sâu khoang đạt hiệu quả sau 5-7 ngày phun thuốc. Chế phẩm Bt sản xuất theo phương pháp lên men phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Bên cạnh đó còn có các chế phẩm nấm côn trùng trừ sâu hại có hoạt lực diệt côn trùng cao; Chế phẩm nấm đối kháng trừ bệnh hại; Chế phẩm tuyến trùng sinh học trừ sâu hại cây trồng; Chế phẩm Momosertatin trừ sâu hại rau; Chế phẩm kháng sinh Ditacin có nguồn gốc từ xạ khuẩn và chế phẩm nấm đối kháng trừ bệnh hại cây trồng.
Trên cơ sở phát triển nghiên cứu của đề tài, các sản phẩm này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, một số tỉnh thành phố mở rộng ứng dụng trong chương trình sản xuất rau an toàn, hình thành các vùng sản xuất rau an toàn ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Cần Thơ.
Hiện nay, một số Chi cục Bảo vệ thực vật được ngành bảo vệ thực vật cho phép đưa vào sử dụng chế phẩm này trong sản xuất rau an toàn như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nam, sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Các chế phấm bảo vệ thực vật sinh học sản xuất trong nước đã góp phần giảm lượng thuốc nhập nội khoảng 10 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho các công ty, đơn vị tiếp nhận công nghệ, chủ động về nguyên liệu, kiểm soát được chất lượng sản phẩm, yên tâm sử dụng trên một số cây trồng như rau, quả đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe cho người tiêu dùng.

CANH TÁC HỒ TIÊU VỚI CHẾ PHẨM SINH HỌC



Sau nhiều năm nghiên cứu, trường Đại học Tây Nguyên đã tìm ra biện pháp sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây hồ tiêu.
Theo đó, nhà trường đã xây dựng được các mô hình sản xuất hợp lý bảo đảm canh tác tiêu bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, đem lại nhận thức mới cho người dân trong canh tác cây hồ tiêu.
Các nhà khoa học đã sử dụng các chế phẩm sinh học chitin, chitosan và chitosan oligomer cho cây hồ tiêu trong thời kỳ kiến thiết cơ bản.
Các chế phẩm sinh học được tách chiết từ vỏ tôm cua, côn trùng, vách tế bào nấm. Đây là những thành phần không độc hại, phân hủy sinh học nhanh và an toàn với môi trường.
Các thành phần chitosan và chitosan oligomer có hoạt tính kích thích tăng trưởng ở thực vật, tăng số lượng vi sinh vật có lợi, hạn chế nấm gây hại trong đất và tăng cường hệ thống đề kháng của thực vật đối với cây trồng.
Ứng dụng vào sản xuất, các chế phẩm được tưới cho cây hồ tiêu ba lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày. Sau ba tháng, số lượng nấm mốc và xạ khuẩn có trong đất tăng lên nhanh chóng.


Hầu hết số xạ khuẩn và nấm mốc này có khả năng tổng hợp các loại enzyme làm tan vách tế bào của các loại nấm gây bệnh và một số côn trùng, giúp cho cây hồ tiêu có khả năng làm tăng đề kháng với các loại nấm bệnh trong đất.
Trong quá trình canh tác, khi bón các chế phẩm chitosan và chitosan oligomer đã làm giảm đáng kể số lượng nấm gây bệnh Fusarium đối với cây hồ tiêu.
Ngoài cơ chế gia tăng gián tiếp số lượng nấm mốc và xạ khuẩn, chế phẩm chitosan và chitosan oligomer còn có hoạt tính kháng nấm Fusarium trực tiếp. Nấm Fusarium bị ức chế hoàn toàn khi nuôi cấy trên môi trường bổ sung chitosan và chitosan oligomer nồng độ 0,1-0,15%.
Các chế phẩm sinh học nói trên còn làm giảm số lượng tuyến trùng trong rễ cây hồ tiêu đến tám lần so với những vườn cây không sử dụng chế phẩm.
Mặt khác, khi phun chế phẩm chitosan oligomer nồng độ 200mg/l lên lá, lượng diệp lục trong lá cây hồ tiêu tăng gần 50%. Cây được kích thích sinh trưởng thân dây chính và các cành nhánh phát triển nhanh hơn.
Thực tế sản xuất đã cho thấy, các chế phẩm sinh học chitin, chitosan và chitosan oligomer khi tưới hoặc bón vào đất đã có hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện khu hệ vi sinh vật trong đất trồng hồ tiêu, góp phần làm giảm đáng kể số lượng các loại nấm gây bệnh trên cây hồ tiêu.
Tiếp thu thành quả nghiên cứu và thực nghiệm của Trường đại học Tây Nguyên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Nông đang áp dụng việc sử dụng các chế phẩm sinh học vào canh tác cây hồ tiêu thời kỳ kiến thiết cơ bản của nhiều hộ nông dân và đã đạt kết quả khả quan. Trong đó, áp dụng phổ biến tại các địa phương trồng nhiều hồ tiêu như huyện Đắk R’lâp, Cư Jut và thị xã Gia Nghĩa.
Cây hồ tiêu là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao nhưng hiện nay việc canh tác loại cây này của các hộ dân đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là sự tàn phá trên diện rộng của bệnh vàng lá chết nhanh, vàng lá chết chậm do các loại virus gây ra.
Hiện nay, các biện pháp phòng trừ hóa học không hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác hồ tiêu bước đầu thành công đã mang triển vọng lớn về phát triển sản xuất bền vững. Thời gian tới, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu các chế phẩm sinh học áp dụng canh tác cây hồ tiêu trong thời kỳ kinh doanh, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Chế phẩm sinh học và sự phát triển của nông nghiệp



Nhằm tạo điều kiện cho nông dân nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất nông sản, từ năm 2012 đến nay, huyện Gia Bình chỉ đạo các địa phương triển khai một số mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ. Mô hình này ngoài tác dụng giảm thiểu ô nhiễm môi trường còn góp phần hạn chế việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc hóa học, lấy lại độ phì nhiêu cho đất, là một giải pháp quan trọng trong việc tạo nền nông nghiệp sạch và bền vững.
Ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rơm, rạ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng mang lại hiệu quả cao.

Mỗi năm, huyện Gia Bình sản xuất khoảng trên 55.000 tấn lúa, tương đương với đó là hàng ngàn tấn rơm, rạ. Trước đây, bà con nông dân còn tận dụng rơm, rạ để trồng nấm, hoặc để mục làm phân bón cho rau màu, nhưng hiện nay, khi sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa, phần lớn lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, rơm rạ vương vãi trên đồng thường được xử lý bằng cách đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Thấy được tiềm năng và hiệu quả khi ứng dụng chế phẩm sinh học Bio-Plant trong xử lý rơm, rạ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, UBND huyện Gia Bình đã chỉ đạo Trạm Khuyến nông phối hợp với Hội Nông dân các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho các hộ nông dân ở 74/74 HTX của 14/14 xã, thị trấn trên toàn huyện. Việc sử dụng phân hữu cơ từ chế phẩm sinh học đã giúp cho bà con nông dân giảm được rất nhiều chi phí sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu mà vẫn nâng cao được năng suất, chất lượng nông sản, góp phần lấy lại độ phì nhiêu và tăng hàm lượng các chất khoáng trong đất.

Qua kiểm tra và đánh giá của cán bộ kỹ thuật, năng suất và chất lượng các cây trồng sử dụng chế phẩm trong những vụ trước đều cho hiệu quả cao hơn so với cách làm thông thường. Cụ thể, trên 480m2 trồng cây khoai sọ tại xã Vạn Ninh, cây cao hơn 15-20cm, khỏe mạnh, không bị sâu bệnh gây hại (nhất là bệnh gỉ sắt, thán thư). Trên 720m2 trồng thử nghiệm cây dưa chuột tại xã Quỳnh Phú, cây sinh trưởng và phát triển tốt, ra hoa sớm hơn từ 3-5 ngày, tỷ lệ đậu quả cao, số lần sử dụng thuốc trừ sâu giảm...

Chị Trần Thị Ninh, ở xã Đại Lai (Gia Bình) cho biết, trong hai vụ vừa qua, gia đình chị được sự hỗ trợ của huyện, ứng dụng chế phẩm sinh học trên diện tích 5 sào lúa và 5 sào đậu tương. Trên 5 sào lúa nếp Phu thê, chi phí sản xuất và dịch bệnh đều giảm so với cách làm thông thường, lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đồng thời năng suất tăng khoảng 5%. Đặc biệt, trên diện tích trồng cây đậu tương sử dụng chế phẩm sinh học, dịch bệnh hầu như không xuất hiện và năng suất tăng tới gần 40%. Chi phí sản xuất giảm và năng suất cây trồng tăng lên đáng kể giúp gia đình chị từng bước cải thiện cuộc sống.

Theo bà Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Bình, sản xuất nông nghiệp hiện nay có xu hướng lạm dụng quá mức các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV làm cho đất bị suy giảm về dinh dưỡng, thành phần cơ giới đất bị mất cân đối dẫn đến cây trồng sinh trưởng và phát triển không đồng đều. Trong khi đó, sản phẩm phụ của nông nghiệp sau thu hoạch chưa được khai thác và sử dụng một cách hợp lý.

Việc tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ trong quá trình sản xuất đã góp phần tạo ra nguồn nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Vụ đông năm 2013, huyện tiếp tục triển khai mở rộng diện tích các loại cây trồng sử dụng chế phẩm sinh học như 30ha khoai tây Atlantic ở các xã Thái Bảo, Đại Lai, Đông Cứu, cùng một số diện tích trồng cà rốt, đậu tương, hành ở Nhân Thắng, Vạn Ninh...

Các ứng dụng của chế phẩm sinh học trong nông nghiệp:
Sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng trọt (Bảo vệ thực vật):
- Có tác dụng cân bằng hệ sinh thái (vi sinh vật, dinh dưỡng…) trong môi trường đất nói riêng và môi trường nói chung.

- Không làm hại kết cấu đất, không làm chai đất, thoái hóa đất mà còn góp phần tăng độ phì nhiêu của đất.

- Có tác dụng đồng hóa các chất dinh dưỡng, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

- Có tác dụng tiêu diệt côn trùng gây hại, giảm thiểu bệnh hại, tăng khả năng đề kháng bệnh của cây trồng mà không làm ảnh hưởng đến môi trường như các lọai thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học khác.

- Có khả năng phân hủy, chuyển hóa các chất hữu cơ bền vững, các phế thải sinh học, phế thải nông nghiệp, công nghiệp, góp phần làm sạch môi trường.

Hiện nay các chế phẩm sinh học ứng dụng cho cây trồng cơ bản được chia làm 3 nhóm sản phẩm với các tính năng khác nhau:

+ Nhóm chế phẩm sinh học ứng dụng cho việc phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng;

+ Nhóm chế phẩm sinh học dùng cho sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh, chất kích thích tăng trưởng bón cho cây trồng;

+ Nhóm chế phẩm sinh học dùng cho cải tạo đất, xử lý phế thải nông nghiệp.
Sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi:

- Giúp vật nuôi tiêu hóa tinh bột và protein, giảm thấp tỷ lệ tiêu tốn thức ăn trong chăn nuôi (nhóm chế phẩm sinh học cung cấp enzym, như: Acid Pak4 Way chứa men cellulaz, proteaz, amylaz).

- Kích thích tăng trưởng và hoạt động của các loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột, do đó sẽ vô hiệu hóa độc tố nấm có trong thức ăn, chuyển hóa thức ăn nhanh, nâng cao khả năng sinh sản (nhóm chế phẩm sinh học chứa các hỗn hợp tế bào men nấm dưới dạng đậm đặc, như: Chế phẩm YeaSacc1026, Chế phẩm Emitan do trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội sản xuất).
- Giúp cho việc hấp thu khoáng chất qua thành ruột được tốt hơn do đó tăng cường khả năng sinh học của khoáng chất trong cơ thể gia súc, gia cầm (nhóm chế phẩm sinh học có chứa các nguyên tố vi lượng gắn kết với hợp chất hữu cơ như aminoacid hoặc peptid, như: Chế phẩm Bioplex Zine Bioplex Manganese cung cấp mangan nhằm tăng cường khả năng thụ thai và phát triển xương. Bioplex Iron nhằm tăng cường khả năng phòng bệnh thiếu chất sắt).

- Có khả năng thu hút và loại thải ra ngoài phần lớn các vi khuẩn đường ruột có hại như E.coli, Salmonella, các độc tố nấm như Alfatoxin. Đó là nhóm chế phẩm sinh học có tác dụng gắn kết với các độc tố nấm mốc, vi khuẩn đường ruột mà đại diện là chế phẩm Bio-Mos.

Việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rơm, rạ cần được nhân rộng ra nhiều địa phương, nhằm hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển nông nghiệp bền vững. Đây là mô hình đem lại lợi ích về kinh tế, giải quyết và tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có ở địa phương, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

ỨNG DỤNG VÀ LỢI ÍCH CỦA CHẾ PHẨM SINH HỌC TRONG CHĂN NUÔI

Nhằm hướng đến sự phát triển nông nghiệp và nông thôn: Các hoạt động chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ngoài quy mô và cơ cấu hợp lý còn phải đáp ứng các quy định về đảm bảo an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và an toàn môi trường; trong đó, việc ứng dụng rộng rãi những thành tựu Khoa học và Công nghệ mới vào sản xuất Nông nghiệp là điều kiện tiên quyết.


 

Qua đó hạn chế sử dụng thuốc hóa học, hóa chất, kháng sinh trong phòng trừ dịch bệnh mà thay vào đó là tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học. Trên thực tế, trong vài năm gần đây, việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gia cầm, gia súc đã được biết đến nhưng chưa được sử dụng rộng rãi.

 
Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi có nhiều ưu điểm vượt trội như : tăng năng xuất và chất lượng, ít dịch bệnh, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, vật nuôi, giải quyết tốt môi trường chăn nuôi nhất là tại các vùng ven của các đô thị như Hà Nội, Hải Phòng …., tạo ra những sản phẩm an toàn về mặt chất lượng.
 
Vậy chế phẩm sinh học trong chăn nuôi là gi?
 
Chế phẩm sinh học là những sản phẩm bổ sung trong chăn nuôi
có tác dụng giúp vật nuôi hấp thụ thức ăn tốt kích thích tăng trưởng, qua đó giảm tiêu tốn thức ăn, giảm mùi hôi thối chuồng trại, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe vật nuôi, con người.

 
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuộc các nhóm chế phẩm sinh học khác nhau, bà con chăn nuôi có thể tham khảo những nhóm chế phẩm sinh học sau:  

+ Nhóm chế phẩm sinh học cung cấp enzym sẽ giúp vật nuôi
tiêu hóa tinh bột và protein, giảm thấp tỷ lệ tiêu tốn thức ăn trong chăn nuôi : chứa men cellulaz giúp tiêu hóa chất xơ, proteaz làm tiêu hóa chất đạm, amylaz góp phần tiêu hóa tinh bột.

 
+ Nhóm chế phẩm sinh học chứa các hỗn hợp tế bào men nấm
dưới dạng đậm đặc sẽ kích thích tăng trưởng và hoạt động của các loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột, do đó sẽ vô hiệu hóa độc tố nấm có trong thức ăn, chuyển hóa thức ăn nhanh, nâng cao khả năng sinh sản.

 
+ Nhóm chế phẩm sinh học có chứa các nguyên tố vi lượng gắn
kết với hợp chất hữu cơ như aminoacid hoặc peptid 
giúp cho việc hấp thu khoáng chất qua thành ruột được tốt hơn do đó tăng cường khả năng sinh học của khoáng chất trong cơ thể gia súc, gia cầm. Các chế phẩm nhóm này sẽ bổ sung một số nguyên tố vi lượng mà cơ thể đang cần, giúp con vật phòng trị được một số bệnh về dinh dưỡng, tăng khả năng miễn nhiễm, gia tăng hiệu quả sinh sản. Khi sử dụng nhóm chế phẩm này phải cân nhắc cẩn thận, tránh tình trạng bổ sung thừa sẽ gây tác dụng ngược.



 
+ Nhóm chế phẩm chứa hệ vi sinh vật hữu ích hoặc các chất được chiết xuất từ thực vật làm tăng khả năng hấp thụ thức ăn, làm giảm mùi hôi từ phân qua đó ức chế vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa giúp vật nuôi nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Đây là nhóm chế phẩm đem lại nhiều lợi ích nhất cho bà con và đảm bảo môi trường trong sạch cho cộng đồng.
 
+ Chế phẩm sinh học Emina hiện đang được bà con tin dùng đặc
biệt trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, xử lý phân hữu cơ và rác thải….


Khi dùng chế phẩm sinh học bà con cần lưu ý : chế phẩm sinh
học chỉ là chất xúc tác thúc đẩy quá trình sinh trưởng cho vật nuôi chứ không thay thế hoàn toàn dưỡng chất cần có trong thức ăn nên nó không thể thay thế hoàn toàn thức ăn của vật nuôi.

 
Hiện sản lượng thịt lợn, bò, gà… ở Việt Nam là 4 triệu tấn/năm, trong đó thịt lợn chiếm 3 triệu tấn. Thời gian qua, người chăn nuôi đang đối mặt với nhiều khó khăn như giá thức ăn và thuốc thú y tăng cao, nhiều loại dịch bệnh và ô nhiễm môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng các chất tăng trọng, tạo nạc và thuốc kháng sinh làm tồn dư các hóa chất này trong sản phẩm thịt, trứng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thực tế, việc người tiêu dùng quay lưng với các sản phẩm thịt lợn đã gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng cho người nuôi.
Ngoài ra, mỗi ngày tại các trại chăn nuôi lợn thải ra khoảng 5 tấn phân và nước thải. Lượng phân này hiện đang được dùng vào việc trồng trọt, tuy nhiên việc xử lý không đúng cách làm rau màu nhiễm trứng giun và vi sinh vật có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Trên thị trường hiện nay có hơn 200 chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi nhằm cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp tiêu hóa tốt, giảm tỷ lệ các sinh vật gây bệnh, kích thích hệ miễn dịch, nhờ đó khống chế các bệnh lây nhiễm và giảm ô nhiễm môi trường.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lâm Minh Thuận (Đại học nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh), việc sử dụng chế phẩm tự nhiên như gừng, nghệ, tỏi thay thế kháng sinh trong chăn nuôi gà giúp loại gia cầm này chuyển hóa trao đổi chất, đồng thời nâng cao sức đề kháng bệnh, tạo ra thịt sạch, an toàn cho người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi.

 
Trong chăn nuôi lợn, việc sử dụng tỏi, nghệ tlợn các nhà khoa học, giúp cải thiện tăng trưởng cũng như hệ số chuyển hóa thức ăn, giảm chi phí trên 1kg tăng trọng so với lợn sử dụng kháng sinh. Với việc sử dụng thức ăn, nhiều nhà khoa học đánh giá, nếu người chăn nuôi sử dụng thức ăn lên men bằng “Men vi sinh hoạt tính” sẽ giúp gia súc, gia cầm phát triển tốt, tăng trọng nhanh; giảm tiêu tốn và chi phí thức ăn; giảm tỷ lệ mắc bệnh; tạo môi trường sạch.
 
Thực tế tại tỉnh Đồng Tháp, những năm qua nhờ dùng chế phẩm sinh học nên ngành chăn nuôi của tỉnh này đã hạn chế chất thải độc hại ra môi trường.

 
Bà Ngô Xuân Hương (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Đồng Tháp) cho biết việc sử dụng men Balasa N01 đem lại nhiều lợi ích như phân giải được nước tiểu do vật nuôi thải ra, hạn chế mùi hôi thối, ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ sinh vật có hại, bảo
vệ sức khỏe vật nuôi; tiết kiệm khoảng 80% nước trong chăn nuôi do không phải sử dụng nước rửa chuồng hay tắm cho vật nuôi; tiết kiệm 50% nhân công do không cần dọn, tắm cho vật nuôi hàng ngày. Đặc biệt, người chăn nuôi khi sử dụng men Balasa N01 đã cho ra sản phẩm thịt đảm bảo vệ sinh về màu, mùi, vị.


Tại Đồng Nai, hiện gần 100% trang trại chăn nuôi lợn, gà đã ứng dụng chế phẩm sinh học. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hay về sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, điển hình như việc nuôi gà bằng thảo dược của chị Cao Thị Len ở xã Phú Ngọc, huyện Định Quán.

Sau hơn một năm thực hiện, chị Len đã nuôi được nhiều lứa gà bằng thảo dược. Với giá bán 50.000 đồng/kg, gà thảo dược của chị Len được người tiêu dùng đón nhận bởi chất lượng thịt cao hơn so với gà nuôi tlợn phương pháp thông thường. Hiện trang trại của chị có hai chuồng gà thảo dược, với hơn 5.000 con.

 
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi đã được chấp nhận rộng rãi trên thế giới.
 
Tại Việt Nam, các chế phẩm sinh học cũng đã được áp dụng tại nhiều trang trại. Tuy nhiên, với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học vẫn là một điều xa lạ.



















Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Vì lợi ích của nông dân

Trong chuỗi giá trị của hạt gạo xuất khẩu, mặc dù vai trò của người nông dân là trọng yếu nhưng lợi ích của họ lại là… thứ yếu. Nghịch lý này đã tồn tại suốt bao nhiêu năm qua và đến nay vẫn còn là “thực tế đau lòng” nhưng chưa có cách giải quyết khả thi nào.

vì lợi ích người nông dân

Trong thông điệp đầu năm, một trong những vấn đề quan trọng mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ là phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thực tế cho thấy, cấu trúc của ngành nông nghiệp hiện nay có nhiều bất cập, cần phải thay đổi. Song song đó, cần thay đổi cách nghĩ, cách làm để hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. Trong nền nông nghiệp mới đó, người nông dân không chỉ biết ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị sản phẩm mà còn biết thay đổi phương thức giao dịch, mua bán các sản phẩm nông nghiệp truyền thống, chuyển sang các phương thức kinh doanh, mua bán tiên tiến và hiệu quả hơn.

Cách nay hơn 10 năm, có dịp công tác tại Nhật Bản, chúng tôi được các đồng nghiệp người Nhật đưa đi thực tế ở một số vùng nông thôn cách Tokyo vài trăm kilômét. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là khi vừa rời khỏi nhà ga xe lửa đã thấy bác nông dân người Nhật chờ sẵn với chiếc ô tô láng cóng. Sau một hồi lái xe trên các tuyến đường phủ nhựa sạch sẽ, tinh tươm, bác nông dân đưa chúng tôi đi qua một chiếc cổng lớn và giới thiệu đây chính là “ruộng nhà tôi!”.

Thật đáng ngạc nhiên, với gần 20ha ruộng lúa đang chín tới, vàng ươm nhưng vợ chồng ông chỉ cần thu hoạch chưa đến 1 tuần. Đó là nhờ tất cả đều được cơ giới hóa ở mức độ công nghệ rất cao, từ khâu gặt lúa, sấy lúa, chế biến thành gạo…Đã thế, người nông dân này còn lập trang web để kết nối với các trung tâm thu mua lúa gạo, quảng bá rộng rãi nên sản phẩm làm ra không chỉ bán nhanh mà còn được giá. Nhờ cách làm này, nhiều nông dân Nhật Bản giảm được nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất, tiết kiệm nhân công, chi phí và thu được lợi nhuận cao hơn hẳn người nông dân ở nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam chúng ta.

Trong “Tam nông”: Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn, người nông dân phải là chủ thể. Nông dân không chỉ là lực lượng chủ đạo trong sản xuất mà còn là đối tượng được thụ hưởng xứng đáng với những thành quả lao động của chính mình. Để làm được điều này không phải là điều đơn giản, có thể hoàn thành một sớm một chiều nhưng nếu không thực hiện kiên quyết và triệt để, trong nhiều năm tới, hàng chục triệu nông dân Việt Nam sẽ vẫn phải chịu cảnh một nắng hai sương, làm lụng vất vả nhưng hoa lợi thu được không tương xứng với công sức bỏ ra.

So với cách làm nông nghiệp truyền thống, hiện nay tại nhiều nơi ở nước ta, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long, người nông dân đã bắt đầu ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Các cánh đồng mẫu lớn ra đời và gặt hái thành công bước đầu không chỉ là niềm cảm hứng cho những nhà quản lý, nhà khoa học nông nghiệp mà ngay cả với người nông dân vốn bao đời bị bó buộc trong các bờ vùng, bờ thửa của một nền nông nghiệp nhỏ bé, manh mún và lạc hậu. Không thể có một nền nông nghiệp lớn mạnh, hiện đại với những cánh đồng nhỏ bé bị chia cắt bởi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bờ vùng bờ thửa.

Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp sắp tới, nhà nước cần nhanh chóng tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tham gia vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần rà soát, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài; chấm dứt tình trạng độc quyền; tạo “sân chơi” bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh ngay trong cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.

Trong những năm tới, các cơ quan chức năng cần chuẩn bị các bước cơ bản để tiến tới xây dựng thị trường mua bán nông sản tương lai, đấu giá nông sản… như một số nước phát triển đã thực hiện nhằm loại bỏ tình trạng người nông dân thường xuyên bị ép giá. Ngoài ra, cần xây dựng Quỹ bảo hiểm giá nông sản để bảo vệ người nông dân trước các biến động của thiên tai, dịch bệnh.

Bên cạnh vai trò của nhà nước, bản thân người nông dân cũng phải tự làm mới mình, thích ứng với sự thay đổi để phát triển. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng như mua bán, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc và ngày càng chuyên nghiệp hơn. Trong vấn đề này, vai trò của các hội nông dân, các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực về nông nghiệp, đội ngũ kỹ sư, khuyến nông… là hết sức quan trọng.

Trong những năm khủng hoảng kinh tế khốc liệt vừa qua, lĩnh vực nông nghiệp đã khẳng định vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế toàn cầu. Không có nhiều nước trên thế giới làm giàu nhờ nông nghiệp, nhưng bất cứ quốc gia nào cũng đều xem nông nghiệp là yếu tố cơ bản để làm nên sự thịnh vượng dài lâu. Chính yếu tố nền tảng này của nông nghiệp khiến trong mấy năm gần đây, nhiều quốc gia đã thay đổi chiến lược phát triển, cụ thể là quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này.

Với nước ta, tái cấu trúc nền nông nghiệp trong tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế là điều không thể không làm. Nhưng để quá trình tái cấu trúc thành công, ngoài quyết tâm của cả hệ thống chính trị, điều đặc biệt quan trọng là phải luôn vì lợi ích của nông dân!

Đình Tuân/ Báo SGGP

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác hồ tiêu bền vững

Sau nhiều năm nghiên cứu, Trường Đại học Tây Nguyên đã tìm ra biện pháp sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây hồ tiêu. Theo đó, trường đã xây dựng các mô hình sản xuất hợp lý bảo đảm canh tác tiêu bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường.

chế phẩm sinh học cho hồ tiêu

Các nhà khoa học đã sử dụng các chế phẩm sinh học chitin, chitosan và chitosan oligomer cho cây hồ tiêu trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Các chế phẩm sinh học được tách chiết từ vỏ tôm cua, côn trùng, vách tế bào nấm. Đây là những thành phần không độc hại, phân hủy sinh học nhanh và an toàn với môi trường. Các thành phần Chitosan và chitosan oligomer có hoạt tính kích thích tăng trưởng ở thực vật, tăng số lượng vi sinh vật có lợi, hạn chế nấm gây hại trong đất và tăng cường hệ thống đề kháng của thực vật đối với cây trồng.

Ứng dụng vào sản xuất, các chế phẩm được tưới cho cây hồ tiêu 3 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày. Sau 3 tháng, số lượng nấm mốc và xạ khuẩn có trong đất tăng lên nhanh chóng. Nhờ vậy, tạo cho cây hồ tiêu có khả năng tăng đề kháng với các loại nấm bệnh trong đất. Trong quá trình canh tác đã cho thấy, khi bón các chế phẩm chitosan và chitosan oligomer đã làm giảm đáng kể số lượng nấm gây bệnh Fusarium đối với cây hồ tiêu. Ngoài ra cây được kích thích sinh trưởng thân dây chính và các cành nhánh phát triển nhanh hơn.

Tiếp thu thành quả nghiên cứu và thực nghiệm của Trường Đại học Tây Nguyên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Nông đang áp dụng việc sử dụng các chế phẩm sinh học vào canh tác cây hồ tiêu thời kỳ kiến thiết cơ bản của nhiều hộ nông dân và đã đạt kết quả khả quan. Trong đó, áp dụng phổ biến tại các địa phương trồng nhiều hồ tiêu như huyện Đắk R’lâp, Cư Jut và thị xã Gia Nghĩa.

Hồ tiêu là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao nhưng hiện nay việc canh tác loại cây này đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do sự tàn phá trên diện rộng của bệnh vàng lá chết nhanh, vàng lá chết chậm do các loại vi rút gây ra. Hiện nay, các biện pháp phòng trừ hóa học không hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác hồ tiêu đã mang triển vọng lớn về phát triển sản xuất bền vững. Thời gian tới, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu các chế phẩm sinh học áp dụng canh tác cây hồ tiêu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

NNM