chế phẩm sinh học

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Nông nghiệp bền vững với chế phẩm sinh học

Càng ngày các loại nông sản Việt Nam được thế giới biết đến càng nhiều như lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, thanh long, vú sữa... Chỉ tính riêng cà phê, Việt Nam hiện có năng suất cao trên thế giới, 8 đến 10 tấn cà phê/hécta. 

Để đạt được năng suất ấy, người nông dân phải sử dụng đến 2 tấn urê/1 ha cùng với rất nhiều phân bón hóa chất khác và không ít các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Hệ quả không chỉ nông dân phải mất nhiều tiền vào hóa chất mà hệ sinh vật đất và chất lượng đất bị tàn phá nghiêm trọng.

Đất đai ngày càng thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối, tồn dư các chất độc hại trong đất ngày càng cao, nguồn bệnh tích lũy trong đất càng nhiều dẫn đến phát sinh một số dịch hại không dự báo trước, việc trồng trọt về sau ngày càng khó khăn hơn. Trước tình hình đó, Chế phẩm sinh học được xem là giải pháp giúp giảm tiền phân bón, tăng năng suất cây trồng và thân thiện với môi trường.

Phong phú các loại Chế phẩm sinh học

Chế phẩm sinh học là sản phẩm của quá trình tái tạo và sử dụng tài nguyên sinh học. Chế phẩm sinh học bao gồm các vật liệu từ gỗ, giấy, các sản phẩm từ rừng và các chế phẩm có nguồn gốc sinh học như: nhiên liệu sinh học, năng lượng sinh học, chất kết dính sinh học, hóa sinh, nhựa sinh học, tinh bột, cellulose, ethanol,…

Chế phẩm sinh học hiện nay được ứng dụng nhiều trong chăn nuôi, thủy sản, công nghiệp…, ứng dụng trong nông nghiệp rất được quan tâm ở Việt Nam.

Chế phẩm sinh học dùng trong nông nghiệp có những ưu điểm nổi trội so với các chế phẩm hóa chất như:
  • Không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng như thuốc BVTV từ hóa chất.
  • Cân bằng hệ sinh thái trong môi trường đất nói riêng và môi trường nói chung. Ví dụ như phân hữu cơ vừa tăng dinh dưỡng cho đất, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật đất hoạt động.
  • Không làm thoái hóa đất mà còn góp phần tăng độ phì nhiêu của đất.
  • Cây trồng hấp thu chất dinh dưỡng dễ hơn, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông phẩm.
  • Tiêu diệt côn trùng gây hại, giảm thiểu bệnh hại, tăng khả năng đề kháng bệnh của cây trồng mà không làm ảnh hưởng đến môi trường như các loại thuốc BVTV có nguồn gốc hóa chất. Tác dụng của Chế phẩm sinh học đến từ từ chứ không nhanh như các loại hóa chất nhưng tác dụng dài lâu.
  • Có khả năng phân hủy, chuyển hóa các phế thải sinh học, phế thải nông nghiệp, công nghiệp, góp phần làm sạch môi trường.
so sánh trước và sau sử dụng chế phẩm sinh học

Các Chế phẩm sinh học dùng trong nông nghiệp có thể được chia làm bốn nhóm như sau:

1. Nhóm Chế phẩm sinh học ứng dụng cho việc phòng trừ dịch hại trên cây trồng.

Thực chất đây là thuốc BVTV nguồn gốc sinh học có thể tiêu diệt hoặc phòng trừ dịch hại. Dịch hại là các sinh vật, vi sinh vật, các loại sâu hại, các loài gậm nhấm ... có khả năng gây hại cho cây trồng và lương thực.

2. Nhóm Chế phẩm sinh học dùng cho sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân bón vi sinh.

Phân vi sinh là loại phân có chứa hàm lượng vi sinh vật có ích cao (≥ 1x108CFU/g), thường không có hàm lượng chất dinh dưỡng kèm theo. Phân vi sinh được sản xuất và bón vào đất nhằm tăng lượng vi sinh vật có ích cho cây trồng, đặc biệt đối với vi sinh vật cố định đạm.

Phân hữu cơ sinh học là sản phẩm phân bón được tạo qua quá trình lên men vi sinh vật các hợp chất hữu cơ có nguồn gốc khác nhau và chuyển hóa thành mùn. Không có yêu cầu chủng vi sinh phải đạt là bao nhiêu.

Phân hữu cơ vi sinh là loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ, có chứa ít nhất một chủng vi sinh vật có ích phù hợp với hàm lượng cao (≥ 1x106CFU/g).
hình trồng và sử dụng chế phẩm sinh học gốc nấm
3. Nhóm Chế phẩm sinh học dùng cho cải tạo đất, xử lý phế thải nông nghiệp.

Là các loại chế phẩm có nguồn gốc sinh học được đưa vào đất để cải tạo lý hóa tính của đất (kết cấu đất, độ ẩm, hữu cơ, khả năng giữ nước, pH…), hoặc giải phóng đất khỏi những yếu tố bất lợi khác (kim loại nặng, vi sinh vật, hóa chất độc hại …) làm cho đất trở nên tốt hơn để sử dụng làm đất trồng cây.

4. Nhóm điều hòa sinh trưởng cây trồng (hooc mon tăng trưởng).

Ở Việt Nam, hooc mon tăng trưởng được xếp vào danh mục thuốc BVTV, chia thành hai nhóm nhỏ:
  • Nhóm các chất kích thích sinh trưởng: các chất có tác dụng kích thích sự sinh trưởng và phát triển của cây. Hàm lượng các chất này được quy định chặt chẽ.
  • Nhóm các chất ức chế sinh trưởng: các chất có tác dụng kìm hãm, ức chế sinh trưởng và phát triển của cây như làm lùn, làm chín, làm rụng lá…
Sáng chế về Chế phẩm sinh học: phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây

Chế phẩm sinh học dùng trong nông nghiệp bắt đầu có đăng ký sáng chế (SC) từ năm 1917. Theo cơ sở dữ liệu tiếp cận được, từ năm 1917 đến nay có khoảng 5.000 SC, trong đó giai đoạn 1990 – 2011 là giai đoạn phát triển mạnh với 4.528 SC, nhiều nhất là năm 2010: 382 SC.

Phân bón sinh học là nhóm chế phẩm có nhiều SC nhất, chiếm tỉ lệ 90,3% trong tổng số các SC về chế phẩm sinh học sử dụng trong nông nghiệp.

Trung Quốc là quốc gia có lượng SC về các Chế phẩm sinh học cho nông nghiệp nhiều nhất (chiếm tỷ lệ 52%). Các SC tại Trung Quốc tập trung nhiều vào phân bón sinh học và Chế phẩm sinh học cải tạo đất. Mỹ có nhiều SC về thuốc trừ sâu sinh học. Úc tập trung nghiên cứu nhiều về thuốc kích thích tăng trưởng cho cây trồng.

số lượng chế phẩm sinh học

tỉ lệ chế phẩm sinh học

số lượng thuốc bảo vệ thực vật

Ứng dụng các Chế phẩm sinh học trong nông nghiệp tại Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2009, có 344 sản phẩm được đăng ký vào danh mục các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, trong đó có 221 sản phẩm thuốc trừ sâu và 66 sản phẩm thuốc trừ sinh vật gây hại như ốc, chuột, mối…

Số lượng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học được đăng ký gia tăng rất nhanh, năm 2000 chỉ có 2 sản phẩm, nay đã gấp hơn 150 lần. Tuy vậy, theo tiết lộ của các nhà kinh doanh thuốc BVTV, dù số lượng các thuốc BVTV sinh học tăng nhanh nhưng doanh số chỉ dưới 5% tổng doanh số thuốc BVTV. Nghĩa là hiện nay dù thuốc BVTV sinh học tốt, an toàn môi trường nhưng người nông dân lại ít sử dụng.

Về Chế phẩm sinh học dùng cho sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân bón vi sinh, hiện nay rất đa dạng về chủng loại và số lượng ở Việt Nam. Theo Cục Trồng trọt, tính đến tháng 8/2012, Việt Nam đã có 1.694 các loại phân hữu cơ.

Tuy nhiên chỉ có một số ít sản phẩm có chất lượng và uy tín, còn lại không thể kiểm soát được chất lượng hay chất lượng không đảm bảo. Điều này đã làm giảm lòng tin của nhà nông vào loại sản phẩm này, làm thiệt thòi cho người sản xuất Chế phẩm sinh học nghiêm túc, ảnh hưởng đến xu hướng khuyến khích sử dụng Chế phẩm sinh học, nhất là việc dùng phân bón hữu cơ cho cây trồng.

Tiềm năng sử dụng các Chế phẩm sinh học trong nông nghiệp rất lớn, là hướng đi đúng đắn, hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái bền vững và thân thiện với môi trường. Dù là một nước nông nghiệp nhưng việc sử dụng Chế phẩm sinh học ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế.

0 comments:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...