chế phẩm sinh học

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Tiềm năng và hướng sử dụng chế phẩm sinh học phát triển nền nông nghiệp hữu cơ

So sánh trái bắp đạt loại 1 của cây thí nghiệm bón
bổ sung phân hữu cơ từ mụn dừa và đối chứng.

Bến Tre là tỉnh thuần nông, ngoài việc trồng lúa và nuôi trồng thủy sản thì chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh tế vườn dừa, cây ăn quả cũng góp phần lớn vào sự ổn định và phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

Cùng với 58.441ha diện tích dừa, Bến Tre có khoảng 32.000ha diện tích cây ăn trái, 10.687ha cacao và 4.466ha mía (nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre) đang phát triển khá tốt và có chiều hướng tăng. Hàng năm, lượng phế thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và phế phẩm thải ra trong sản xuất nông nghiệp của các loại cây trồng nêu trên tại tỉnh là khá lớn.

Lượng phế thải này phần lớn là những hợp chất hữu cơ giàu cacbon, sản phẩm sau quá trình phân hủy của chúng có thể được sử dụng như phân hữu cơ, có khả năng thay thế phân chuồng, có tác dụng làm cho đất tơi xốp, cải thiện các đặc tính của đất nhất là khả năng giữ nước.

Hiện nay, sự phát triển nền nông nghiệp của tỉnh đang đi vào mức độ thâm canh, xen canh cao với việc sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Sự canh tác trên đã làm cho đất đai ngày càng chai cứng, thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối, mất cân bằng hệ sinh thái trong đất; hệ vi sinh vật trong đất bị xáo trộn, tồn dư các chất độc hại trong đất ngày càng cao, nguồn bệnh tích lũy trong đất càng nhiều dẫn đến có thể phát sinh các loại dịch hại nghiêm trọng, khó dự báo trước.

Chính vì vậy, việc tăng cường phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững và bảo vệ môi trường với việc tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh, sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác cây trồng đang là xu hướng chung của Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung.

Năm 2010, dưới sự chuyển giao công nghệ từ Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh (nay là Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam), Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bến Tre (Trung tâm) đã sản xuất thành công đất sạch dinh dưỡng và 3 loại phân hữu cơ từ mụn dừa là: phân hữu cơ khoáng (HCK), phân hữu cơ sinh học cao cấp (HCSHCC), phân hữu cơ vi sinh (HCVS).

Các loại phân kể trên đều đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt như: cung cấp cân đối và đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng cho cây trồng, giúp cây phát triển tốt; bổ sung một số chủng vi sinh vật hữu ích cho đất; kích thích ra rễ, bộ rễ phát triển mạnh giúp cây hấp thu tốt nguồn dinh dưỡng, tăng cường chống chịu khô hạn, tăng sức đề kháng với các loại sâu bệnh; cải tạo đất tơi xốp, tăng khả năng giữ ẩm cho cây, tăng cường độ phì nhiêu, màu mỡ cho đất; tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Qua khảo nghiệm trên một số cây trồng như: thanh long, bắp, lúa, bưởi, cacao do Trung tâm phối hợp với Hội nông dân các huyện ở 4 tỉnh, thành phố: Bến Tre, Vĩnh Long, Long An, TP. Hồ Chí Minh, bước đầu đã cho thấy việc bón bổ sung các loại phân bón HCVS, HCK và HCSHCC với liều lượng thích hợp cho năng suất cao hơn so với đối chứng từ 10,82 - 15,01%.

Hiện nay, sản phẩm đã được một số đại lý phân bón trong và ngoài tỉnh, nông dân đặt hàng để phân phối và sử dụng. Sự thành công này ngoài góp phần xử lý ô nhiễm môi trường, còn đem lại công ăn việc làm cho nông dân, đồng thời tạo ra sản phẩm mới phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân trồng dừa trên cùng một đơn vị diện tích và góp phần vào việc đa dạng hóa các sản phẩm từ cây dừa.

Bến Tre xác định kinh tế vườn là một trong những ngành phát triển chủ lực của tỉnh nhà. Một số mô hình kinh tế đạt hiệu quả như: cây cacao xen vườn dừa, các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên cây ăn trái... Tuy nhiên, các vấn đề cần được quan tâm trên cây ăn quả như chất lượng không đồng đều, các mô hình an toàn sinh học chưa được nhân rộng, khả năng cạnh tranh trên thị trường ngoài nước chưa cao. Vì thế, có những chế phẩm sinh học đạt chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên và ổn định sẽ góp phần hỗ trợ người nông dân yên tâm trong sản xuất nông nghiệp, hướng người nông dân đến một nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch và bền vững hơn.

0 comments:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...