chế phẩm sinh học

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Chế phẩm sinh học và sự phát triển của nông nghiệp



Nhằm tạo điều kiện cho nông dân nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất nông sản, từ năm 2012 đến nay, huyện Gia Bình chỉ đạo các địa phương triển khai một số mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ. Mô hình này ngoài tác dụng giảm thiểu ô nhiễm môi trường còn góp phần hạn chế việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc hóa học, lấy lại độ phì nhiêu cho đất, là một giải pháp quan trọng trong việc tạo nền nông nghiệp sạch và bền vững.
Ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rơm, rạ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng mang lại hiệu quả cao.

Mỗi năm, huyện Gia Bình sản xuất khoảng trên 55.000 tấn lúa, tương đương với đó là hàng ngàn tấn rơm, rạ. Trước đây, bà con nông dân còn tận dụng rơm, rạ để trồng nấm, hoặc để mục làm phân bón cho rau màu, nhưng hiện nay, khi sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa, phần lớn lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, rơm rạ vương vãi trên đồng thường được xử lý bằng cách đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Thấy được tiềm năng và hiệu quả khi ứng dụng chế phẩm sinh học Bio-Plant trong xử lý rơm, rạ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, UBND huyện Gia Bình đã chỉ đạo Trạm Khuyến nông phối hợp với Hội Nông dân các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho các hộ nông dân ở 74/74 HTX của 14/14 xã, thị trấn trên toàn huyện. Việc sử dụng phân hữu cơ từ chế phẩm sinh học đã giúp cho bà con nông dân giảm được rất nhiều chi phí sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu mà vẫn nâng cao được năng suất, chất lượng nông sản, góp phần lấy lại độ phì nhiêu và tăng hàm lượng các chất khoáng trong đất.

Qua kiểm tra và đánh giá của cán bộ kỹ thuật, năng suất và chất lượng các cây trồng sử dụng chế phẩm trong những vụ trước đều cho hiệu quả cao hơn so với cách làm thông thường. Cụ thể, trên 480m2 trồng cây khoai sọ tại xã Vạn Ninh, cây cao hơn 15-20cm, khỏe mạnh, không bị sâu bệnh gây hại (nhất là bệnh gỉ sắt, thán thư). Trên 720m2 trồng thử nghiệm cây dưa chuột tại xã Quỳnh Phú, cây sinh trưởng và phát triển tốt, ra hoa sớm hơn từ 3-5 ngày, tỷ lệ đậu quả cao, số lần sử dụng thuốc trừ sâu giảm...

Chị Trần Thị Ninh, ở xã Đại Lai (Gia Bình) cho biết, trong hai vụ vừa qua, gia đình chị được sự hỗ trợ của huyện, ứng dụng chế phẩm sinh học trên diện tích 5 sào lúa và 5 sào đậu tương. Trên 5 sào lúa nếp Phu thê, chi phí sản xuất và dịch bệnh đều giảm so với cách làm thông thường, lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đồng thời năng suất tăng khoảng 5%. Đặc biệt, trên diện tích trồng cây đậu tương sử dụng chế phẩm sinh học, dịch bệnh hầu như không xuất hiện và năng suất tăng tới gần 40%. Chi phí sản xuất giảm và năng suất cây trồng tăng lên đáng kể giúp gia đình chị từng bước cải thiện cuộc sống.

Theo bà Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Bình, sản xuất nông nghiệp hiện nay có xu hướng lạm dụng quá mức các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV làm cho đất bị suy giảm về dinh dưỡng, thành phần cơ giới đất bị mất cân đối dẫn đến cây trồng sinh trưởng và phát triển không đồng đều. Trong khi đó, sản phẩm phụ của nông nghiệp sau thu hoạch chưa được khai thác và sử dụng một cách hợp lý.

Việc tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ trong quá trình sản xuất đã góp phần tạo ra nguồn nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Vụ đông năm 2013, huyện tiếp tục triển khai mở rộng diện tích các loại cây trồng sử dụng chế phẩm sinh học như 30ha khoai tây Atlantic ở các xã Thái Bảo, Đại Lai, Đông Cứu, cùng một số diện tích trồng cà rốt, đậu tương, hành ở Nhân Thắng, Vạn Ninh...

Các ứng dụng của chế phẩm sinh học trong nông nghiệp:
Sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng trọt (Bảo vệ thực vật):
- Có tác dụng cân bằng hệ sinh thái (vi sinh vật, dinh dưỡng…) trong môi trường đất nói riêng và môi trường nói chung.

- Không làm hại kết cấu đất, không làm chai đất, thoái hóa đất mà còn góp phần tăng độ phì nhiêu của đất.

- Có tác dụng đồng hóa các chất dinh dưỡng, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

- Có tác dụng tiêu diệt côn trùng gây hại, giảm thiểu bệnh hại, tăng khả năng đề kháng bệnh của cây trồng mà không làm ảnh hưởng đến môi trường như các lọai thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học khác.

- Có khả năng phân hủy, chuyển hóa các chất hữu cơ bền vững, các phế thải sinh học, phế thải nông nghiệp, công nghiệp, góp phần làm sạch môi trường.

Hiện nay các chế phẩm sinh học ứng dụng cho cây trồng cơ bản được chia làm 3 nhóm sản phẩm với các tính năng khác nhau:

+ Nhóm chế phẩm sinh học ứng dụng cho việc phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng;

+ Nhóm chế phẩm sinh học dùng cho sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh, chất kích thích tăng trưởng bón cho cây trồng;

+ Nhóm chế phẩm sinh học dùng cho cải tạo đất, xử lý phế thải nông nghiệp.
Sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi:

- Giúp vật nuôi tiêu hóa tinh bột và protein, giảm thấp tỷ lệ tiêu tốn thức ăn trong chăn nuôi (nhóm chế phẩm sinh học cung cấp enzym, như: Acid Pak4 Way chứa men cellulaz, proteaz, amylaz).

- Kích thích tăng trưởng và hoạt động của các loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột, do đó sẽ vô hiệu hóa độc tố nấm có trong thức ăn, chuyển hóa thức ăn nhanh, nâng cao khả năng sinh sản (nhóm chế phẩm sinh học chứa các hỗn hợp tế bào men nấm dưới dạng đậm đặc, như: Chế phẩm YeaSacc1026, Chế phẩm Emitan do trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội sản xuất).
- Giúp cho việc hấp thu khoáng chất qua thành ruột được tốt hơn do đó tăng cường khả năng sinh học của khoáng chất trong cơ thể gia súc, gia cầm (nhóm chế phẩm sinh học có chứa các nguyên tố vi lượng gắn kết với hợp chất hữu cơ như aminoacid hoặc peptid, như: Chế phẩm Bioplex Zine Bioplex Manganese cung cấp mangan nhằm tăng cường khả năng thụ thai và phát triển xương. Bioplex Iron nhằm tăng cường khả năng phòng bệnh thiếu chất sắt).

- Có khả năng thu hút và loại thải ra ngoài phần lớn các vi khuẩn đường ruột có hại như E.coli, Salmonella, các độc tố nấm như Alfatoxin. Đó là nhóm chế phẩm sinh học có tác dụng gắn kết với các độc tố nấm mốc, vi khuẩn đường ruột mà đại diện là chế phẩm Bio-Mos.

Việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rơm, rạ cần được nhân rộng ra nhiều địa phương, nhằm hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển nông nghiệp bền vững. Đây là mô hình đem lại lợi ích về kinh tế, giải quyết và tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có ở địa phương, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

0 comments:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...